“Thử xem các nước cường thịnh bây giờ nước nào là nước không có tàu buôn đi nhiều nơi? Nước nào là nước không có hiệu buôn lập nhiều chốn? Có đâu lại lạ như nước ta, không được một chiếc tàu nào xuất dương, một cửa hàng nào ở ngoại quốc, vậy mà cứ muốn vinh dự như các nước, thì vinh làm sao được?” – học giả Phan Kế Bính đã nhận xét như thế, trong thời đại của ông.
1. Tròn 100 năm về trước, việc buôn bán nước ta ở trong tình trạng suy tàn. Học giả Phan Kế Bính (1875-1921) đã phác họa nên bức tranh chung thời bấy giờ: “Bao nhiêu các mối lợi to như vận tải hàng hóa xuất dương, khai mỏ, mở ngân hàng, lập đại thương cục... thì ở trong tay người ngoại quốc. Chứ người mình chưa thấy mấy người dựng nên công cuộc nào hoặc hợp cổ mà làm nên việc gì to tát. Duy vài chục năm nay thì mới có mấy nhà phú thương gây dựng được vài việc như mở hiệu cầm đồ, hiệu nhà in, cửa hàng bán đồ thêu đồ khảm... Có việc vốn tới vài ba mươi vạn, kẻ làm công tới một hai trăm người, kể đã là to, song so với cách buôn bán của ngoại quốc thì vẫn chưa thấm vào đâu cả. Dưới hạng này, các nhà buôn bán ở các thành phố, người thì mở hàng cân ngô cân gạo, người buôn cất hàng Tây hàng Tàu, hoặc người buôn hàng tơ lụa, người bán hàng tạp hóa, hay người cho vay đặt lãi, để tranh lợi với bọn Sắt ty... Những nghề này dấn vốn nhiều ra độ một vài vạn, ít nữa độ đôi ba nghìn, cũng nên kể là nhà buôn bán của An Nam ta. Lại còn các nhà buôn thuyền bán bè chở tỉnh này qua tỉnh khác, hoặc mắm hoặc muối, hoặc ngô hoặc gạo, hoặc củi hoặc gỗ, hoặc nứa hoặc tre... Hạng này cũng kể là một việc buôn bán vật lực, cũng phải một vài nghìn vốn mới đủ dùng. Dưới nữa thì là các nhà tư bản ít ỏi, đan lồng phất giấy, buôn chợ kia bán chợ nọ, buôn chiều hôm bán sớm mai. Nan người nứa người, nhờ cái tay khéo phất, kiếm được đủ ăn tiêu đủ thuế má là tốt, mà không khéo vỡ nợ bỏ xứ mà đi cũng nhiều. Còn về chốn nhà quê nơi nào không có ruộng nương, không có nghề nghiệp gì thì xoay ra làm hàng xay hàng xáo, lái trâu lái bò hoặc bán hàng quà hàng bánh kiếm ít lời đầu tôm đầu cá, về nhà cơm rau cơm cháo cho qua đời. Nhà nào có được vài trăm bạc bỏ ra vốn đong vốn để hoặc chứa thóc gạo, đong lúc rẻ bán lúc đắt, hoặc cầm bát họ bát hàng, đã kể là phong vận hơn người”.
Phan Kế Bính phân tích: “Xét ra việc buôn bán của ta không được thịnh vượng bằng các nước cũng bởi nhiều cớ: Một là, vì ta không biết trọng nghề buôn bán. Phần nhiều người chỉ nô nức về đường công danh, sĩ hoạn mà coi nghề buôn bán là một nghề khinh thường. Người giàu có cho con đi học, mong cho con về sau nhất ra thì làm nên ông nghè ông bảng, không nữa thì cũng phải làm được ông hậu ông hàn, chớ nào ai mong cho con mai sau làm nên bác lái này ông tài nọ. Người làm quan trở về thì lấy gió mát trăng thanh, cúc thơm lan tốt, chè chuyên thuốc quấn, đàn ngọt hát hay làm vui thú, chớ nào ai thiết gì ông chủ cửa hàng nọ, ông quản lý cửa hiệu kia. Mà các bác nhờ tổ ấm đủ bát ăn cũng lấy sự thanh nhàn là thú ở trên đời, còn việc buôn bán thây mẹ đĩ. Té ra bao nhiêu công việc buôn bán phần nhiều ở trong tay người đàn bà và ở trong bọn mấy chú lái thì mong sao mà mở mang to ra được. Hai là, vì nhát tính không dám đi xa. Người nhờ có dấn vốn chỉ ngồi phền phệt một xó, cái gì cũng chờ người ta mang đến tận nơi, mua tranh bán cướp với nhau, chớ một bước cũng không dám rời đi đâu cả. Ví dụ có chăng nữa thì chẳng qua Hà Nội xuống Hải Phòng, Sơn Tây xuôi Nam Định đã cho là xa xôi, ai bần cùng lắm mới lên đến Lào Cai, Yên Bái, hoặc vào đến Bình Định, Sài Gòn. Còn chỉ những lo nước độc, ma thiêng, hoặc là phong ba bất trắc mà quanh năm chí tối bán quẩn, buôn quanh... Tiếp đó, vì ta không có lòng kiên nhẫn. Phàm là việc gì, có phải dễ dàng mỗi chốc mà thành hiệu ngay được đâu. Ta buôn bán động hơi thấy lỗ vốn một chút hoặc hơi vấp váp điều gì thì đã ngã lòng ngay. Hoặc người đóng cửa trả môn bài, hoặc người xin thôi cổ phần, làm cho các việc có cơ tấn tới mà cũng phải tan không thành nữa. Cuối cùng, là vì ưa phù hoa, chí khí nông nổi nên tích luỹ làm sao cho được một vốn to, để mở mang cho mỗi ngày một phát đạt. Vì các lỗi trên này mà đường buôn bán suy nhược, trách nào mà bao nhiêu lợi quyền chẳng vào tay người khác”.
Phan Kế Bính nhìn nhận: “Ít lâu nay đã có người hiểu cách buôn bán là trọng, song nghìn người mới được một vài người, chớ phần nhiều vẫn u u mê mê như trước. Than ôi! Việc lý tài chung của một nước, trọng nhất là sự buôn bán. Đường buôn bán có thịnh thì nước mới thịnh, đường buôn bán mà suy thì nước cũng suy. Thử xem các nước cường thịnh bây giờ nước nào là nước không có tàu buôn đi nhiều nơi? Nước nào là nước không có hiệu buôn lập nhiều chốn, có đâu lại lạ như nước ta, không được một chiếc tàu nào xuất dương, một cửa hàng nào ở ngoại quốc, vậy mà cứ muốn vinh dự như các nước, thì vinh làm sao được?”.
2. Trăm năm đã trôi qua, mọi chuyện không còn như xưa nữa. Một thế hệ mới đã xuất hiện, vượt sóng vươn khơi đi khắp năm châu bốn bể, mà câu chuyện về Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans, thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) là một ví dụ điển hình.
PVTrans khởi nghiệp năm 2002 với 1 tàu vận tải dầu thô và 100 nhân sự. Từ nửa cuối năm 2008, PVTrans chìm dần vào cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, khi mọi lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn tới nhu cầu vận tải biển suy giảm nghiêm trọng nhiều năm sau đó. Vào năm 2010-2011, PVTrans đúng nghĩa là một “con tàu mắc cạn”, nợ nần chồng chất, có 16 đơn vị thì 7 thua lỗ, 3 phá sản... Trước bước đường cùng, lãnh đạo PVTrans đã đánh giá lại những cơ hội, rủi ro, quyết liệt thay đổi nhằm từng bước đưa con tầu PVTrans thoát bão kinh tế và duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Việc đầu tiên là “xé nhỏ” các đơn vị tàu, gắn trách nhiệm cho giám đốc các công ty thành viên nhằm phân tán rủi ro, loại bỏ lề thói cũ, gắn trách nhiệm đến cùng cho một cá nhân cụ thể chứ không còn là kiểu “tập thể chịu trách nhiệm” như trước. Bên cạnh đó, kiểm tra kiểm soát nội bộ, minh bạch các mặt, nhất là về tài chính là điều bắt buộc. Chính cách làm này đã tạo nên cho PVTrans một sức bật mới.
Làm thế nào để có việc làm? Không thể mãi nằm chờ việc, lãnh đạo PVTrans quyết định tìm con đường hướng ra vùng biển khác, cụ thể là khu vực Trung Đông đang bất ổn. PVTrans đã đưa 3 tàu sang chở thuê, ở thời điểm nạn cướp biển hoành hành, nhiều hãng vận chuyển dầu thô lớn không dám chạy. Giá cước vận tải cao gấp rưỡi, việc làm không xuể, PVTrans lao vào sóng gió bất chấp hiểm nguy rình rập mỗi khi tàu chở dầu chạy qua vùng “sừng” Nam Phi và eo biển Madagascar.
Cướp biển xưa nay vốn rất tàn bạo và là cơn ác mộng có thật trên các đại dương, bất kể thời tiết yên bình hay giông bão. Một thuyền trưởng của PVTrans kể lại rằng, anh từng nghe hoặc chứng kiến nhiều điểm xảy ra cướp trên đường hải hành như vùng eo biển Malacca, eo Singapore, biển Santa, Lawi Lawi. Nhưng nhức nhối và nguy hiểm nhất là cướp biển Somalia ở vùng vịnh Aden, chúng được ví như những con hổ đói ngày đêm ẩn nấp rình mồi. Anh từng giáp mặt với cướp biển khi tàu PVT Dolphin phải hải hành qua vịnh Aden 2 chuyến/tháng, mỗi chuyến 3 ngày. Cướp biển đi thành tốp 4-5 canô đuổi theo tàu, thuyền trưởng phải thông báo nhờ các tàu xung quanh trợ giúp, đồng thời động viên anh em không căng thẳng lo sợ, tập trung cảnh giới hai bên mạn tàu. Sau hơn một giờ tăng tốc, tàu mới thoát khỏi tầm truy đuổi của cướp biển...
(Còn nữa)
Theo Laodong.vn
Đọc thêm:
- PVTrans tổ chức thành công Hội nghị đối thoại Lãnh đạo Tổng công ty và Người lao động
- Công đoàn PV Trans cấp phát khẩu trang cho người lao động
- PVTrans đã tổ chức thành công Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 - 2019
- Khánh thành công trình xây mới nhà hiệu bộ, cải tạo 2 khối nhà học 2 tầng Trường tiểu học Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh
- PVTrans tiếp tục có mặt trong Bảng xếp hạng doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất năm 2019
- PVTrans: Một năm tăng trưởng vượt kỳ vọng
- PVTrans tiếp tục đứng trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam 2019, tăng 23 bậc so với năm 2018
- PVTrans đoạt 2 giải 3 của Hội thi tay nghề Dầu khí lần thứ VI năm 2019
- Thư chúc mừng của lãnh đạo Tập đoàn
- PVTrans mạnh mẽ vươn ra biển lớn