Ngày 2/5/2018, tại Khu công nghiệp Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã về dự và tham gia thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau (GPP Cà Mau).
Tham dự lễ khánh thành còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành Trung ương. Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có đồng chí Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn; các đại diện Ban Lãnh đạo Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị trong Tập đoàn. Về phía tỉnh Cà Mau, có đồng chí Dương Thanh Bình - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau; đại diện lãnh đạo chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang, công an, biên phòng và nhân dân tỉnh Cà Mau, huyện U Minh; các đồng chí lão thành cách mạng…
Về phía Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) có đồng chí Lê Như Linh, Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐQT; đồng chí Dương Mạnh Sơn - Tổng Giám đốc; các đồng chí trong Ban lãnh đạo, Công đoàn, các ban và đơn vị trực thuộc và thành viên PV GAS. Đại diện lãnh đạo các nhà thầu, đối tác, đồng nghiệp và bạn hàng của PV GAS cũng tham dự sự kiện.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu tham gia nghi thức cắt băng khánh thành
Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau là công trình thực hiện chủ trương chế biến sâu, nhằm gia tăng giá trị khí, tận dụng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã giao cho PV GAS làm chủ đầu tư, thực hiện dự án. Công ty POSCO Engineering (PEN) và Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) là liên danh nhà thầu có đủ uy tín và năng lực, đã được PV GAS tin tưởng lựa chọn để thực hiện gói thầu EPC của dự án.
Tổng giám đốc PV GAS Dương Mạnh Sơn cho biết, Dự án GPP Cà Mau có công suất xử lý 6,2 triệu m3 khí/ngày từ nguồn khí PM3-CAA, cùng hệ thống kho có sức chứa 8.000 tấn LPG, 3.000 m3 condensate và hệ thống cảng xuất sản phẩm. Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 10 ngàn tỷ đồng, giá trị của gói thầu EPC khoảng 5.500 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành, GPP Cà Mau cung cấp ra thị trường khoảng 600 tấn LPG/ngày, tương đương 200.000 tấn LPG/năm, cung cấp 35 tấn Condensate/ngày, tương đương 12.000 tấn Condensate/năm, bổ sung được khoảng 10% nhu cầu thị trường trong nước. Với yêu cầu cao về mặt kỹ thuật và công nghệ, công trình khi hoàn thành có công nghệ tiên tiến hàng đầu, đem lại hiệu suất thu hồi LPG cao so với các dự án tương tự từ trước tới nay; phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; đảm bảo vận hành an toàn và bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo
Trong thời gian chỉ khoảng 2 năm, Chủ đầu tư PV GAS cùng Liên danh nhà thầu đã triển khai theo tiến độ một khối lượng công việc rất lớn, có yêu cầu kỹ thuật cao với điều kiện thi công phức tạp. Công trình đã hoàn thành đạt mục tiêu an toàn, chất lượng và tiến độ. Điều đó đòi hỏi sự quyết tâm nỗ lực, sự phối hợp tích cực của tất cả các bên tham gia thực hiện dự án, cống hiến tâm huyết, mồ hôi và công sức của mình vì sự phát triển của PV GAS nói riêng, của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói chung và hơn nữa, là đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước.
GPP Cà Mau được đưa vào hoạt động sẽ giúp PV GAS thực hiện đúng mục tiêu chiến lược: đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam và phát triển ra thị trường quốc tế. Đây là khâu hoàn thiện cuối cùng để Cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau đồng bộ phục vụ sự nghiệp phát triển ở miền Tây, góp phần cùng cả nước. Là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV GAS tiếp tục nhấn mạnh vị thế trong ngành công nghiệp khí, ở mọi lĩnh vực hoạt động chuyên ngành: thu gom, vận chuyển, chế biến, tàng trữ, phân phối và kinh doanh các sản phẩm khí.
Quá trình xây dựng GPP Cà Mau, Tổng Công ty Khí Việt Nam cũng được hỗ trợ bởi các nhà thầu đã bền bỉ đồng hành, đóng góp vào thành quả ngày hôm nay. Dự án hoàn thành cũng trân trọng ghi nhận công sức của tập thể lãnh đạo và CB CNV PV GAS, đặc biệt là lực lượng tham gia thực hiện dự án, tiếp nhận nhà máy, nỗ lực để hoàn thành công trình đúng tiến độ, an toàn và tiết kiệm, bắt đầu vận hành thương mại ngay từ những ngày đầu tiên.
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh phát biểu tại buổi lễ
Đồng chí Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn khẳng định: Từ năm 2001, Chính phủ Việt Nam đã quyết định đầu tư xây dựng dự án cụm công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Nhằm khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khí thiên nhiên của đất nước từ Lô PM3-CAA, khu vực chồng lấn ngoài khơi Việt Nam và Malaysia, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vinh dự được Đảng và Chính phủ giao làm chủ đầu tư cụm dự án công nghiệp Khí - Điện - Đạm Cà Mau. Từ một vùng đất nhiễm phèn nặng, sản xuất kém hiệu quả trở thành một cụm công nghiệp hiện đại với hệ thống đường ống dẫn khí, nhà máy điện, nhà máy đạm vận hành an toàn và ổn định. Đây là cụm dự án công nghiệp không chỉ có ý nghĩa quan trọng với tỉnh Cà Mau mà còn có ý nghĩa chiến lược về kinh tế, xã hội của cả khu vực Tây Nam Bộ. Đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, GPP Cà Mau là nét vẽ cuối để hoàn thiện bức tranh tổng thể của cả chuỗi dự án Khí - Điện - Đạm tại Cà Mau. Không chỉ ở phương diện đóng góp về kinh tế cho Cà Mau, đóng góp cho ngân sách, hiện nay chúng ta đã gần như hoàn toàn làm chủ công nghệ, đã có sự trưởng thành rất lớn của đội ngũ kỹ sư, người lao động có kinh nghiệm, có trí tuệ của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp khí, điện, đạm. Dự án GPP Cà Mau cũng khẳng định năng lực trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí lắp ráp, hoàn thành sứ mệnh trong thời gian rất ngắn và đúng kế hoạch.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Trần Sỹ Thanh thực hiện nghi thức gắn biển công trình đối với dự án GPP Cà Mau
Mang sứ mệnh lịch sử là đầu tàu năng lượng của nền kinh tế đất nước, trọng trách trở thành Tập đoàn kinh tế trụ cột, những công trình, dự án của PVN đang ngày càng chứng tỏ được vị thế trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đưa những nguồn năng lượng mới, thân thiện với môi trường để phát triển bền vững và bảo vệ môi trường sống của Việt Nam và toàn cầu.
"Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhưng chúng tôi tin tưởng rằng việc thực hiện thành công Dự án Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau là động lực để duy trì SXKD và phát triển bền vững của Tập đoàn, cũng như khẳng định Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ thực hiện thành công các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Chính phủ giao phó" - đồng chí Trần Sỹ Thanh nói.
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Tập đoàn, Chủ tịch HĐTV Trần Sỹ Thanh trân trọng cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời từ các Bộ/Ngành Trung ương, đặc biệt từ Lãnh đạo, nhân dân của tỉnh Cà Mau trong suốt quá trình triển khai Dự án, mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ trong các dự án sắp tới tại khu vực Tây Nam Bộ và tỉnh Cà Mau. Tập đoàn cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo sát sao PV GAS trong giai đoạn vận hành công trình, đảm bảo hoạt động an toàn và hiệu quả.
Tổng giám đốc PV GAS Dương Mạnh Sơn báo cáo về quá trình thực hiện dự án
Phát biểu tại lễ khánh thành, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân thể hiện sự vui mừng khi có mặt tại tỉnh Cà Mau trong không khí hân hoan chào mừng các ngày kỷ niệm lớn của đất nước năm 2018, tham dự buổi lễ khánh thành Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau. Thay mặt Đảng, Nhà nước, đồng chí đã chúc mừng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tổng Công ty Khí Việt Nam có thêm một dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đánh dấu một bước tiến lớn trong nền công nghiệp Khí nước ta.
Chia sẻ với những khó khăn khách quan PVN hiện đang gặp phải, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu từ sự kiện khánh thành một công trình Khí mới, với công nghệ tiên tiến, hiện đại này, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, PV GAS và các đơn vị thành viên của Tập đoàn cần mạnh mẽ và nỗ lực bước tiếp những bước vững vàng trong việc thực hiện “Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia Việt Nam”, ổn định nhu cầu của thị trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế của vùng Tây Nam Bộ, đánh dấu sự hợp tác tốt đẹp giữa tỉnh Cà Mau và Tập đoàn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, ngành Dầu khí là ngành có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Đảng và Nhà nước cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Tập đoàn bằng việc đề ra nhiều chiến lược, quy hoạch, nghị quyết cho sự phát triển của ngành. Quốc hội, cũng như Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tiếp tục theo sát và hỗ trợ cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, trong đó có Tổng Công ty Khí Việt Nam ổn định, phát triển đủ sức cạnh tranh để phát huy vai trò của một ngành kinh tế quan trọng của đất nước.
Các đại biểu tham quan phòng điều khiển trung tâm GPP Cà Mau
Các vị lãnh đạo cao cấp và khách quý đã tham gia cắt băng khánh thành, tham quan nhà máy, gắn biển công trình.
Cũng tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu đã trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Nhà máy, cổ vũ cho phong trào Xanh - Sạch - Đẹp của công trình mới, đề cao văn hóa an toàn và bảo vệ môi trường của toàn ngành Dầu khí.
Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau đi vào vận hành là thành quả của hơn 700 ngày nỗ lực với hơn 3,2 triệu giờ làm việc an toàn của toàn thể kỹ sư, cán bộ, người lao động PV GAS và liên danh nhà thầu, ngày đêm cống hiến tâm huyết, mồ hôi và công sức của mình vì sự phát triển của PV GAS nói riêng, của PVN nói chung và hơn nữa là đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước. Với dấu mốc Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau được khánh thành, như lời chia sẻ của Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Trần Sỹ Thanh, đây không chỉ là niềm vui của PV GAS, còn là niềm vui chung của gần 60.000 người lao động Dầu khí.
GPP Cà Mau được hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ giúp PV GAS thực hiện đúng mục tiêu chiến lược: đóng vai trò chủ đạo trong ngành công nghiệp khí Việt Nam và phát triển ra thị trường quốc tế; thực hiện chế biến sâu, nhằm gia tăng giá trị khí từ cụm mỏ PM3-CAA; góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt LPG tại thị trường Việt Nam, giảm lượng LPG phải nhập khẩu hằng năm; đóng góp thêm cho ngân sách địa phương.
Một góc Nhà máy Xử lí Khí Cà Mau ảnh: Lại Diễm Đàm
Các mốc quan trọng của dự án
Ngày 7/2/2015: Dự án Nhà máy Xử lý khí Cà Mau vinh dự được các lãnh đạo cấp cao của nhà nước nhấn nút khởi động.
Ngày 23/4/2015: Khởi công gói thầu san lấp và xử lý nền.
Ngày 13/8/2015: PV GAS tổ chức Lễ ký kết Hợp đồng EPC: Thiết kế, mua sắm, thi công xây lắp và chạy thử Nhà máy xử lý Khí, kho chứa, cảng xuất - Gói thầu số 1 thuộc Dự án Nhà máy xử lý Khí Cà Mau với liên danh nhà thầu PEN và PTSC.
Tháng 4/2016: Triển khai gia công lắp đặt bồn chứa sản phẩm và các hạng mục chính của nhà máy.
Ngày 14/9/2016: Ban Quản lý Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau đã tiến hành lắp dựng thành công Tháp tách lỏng và khí (De-ethanizer, T-1501) nặng 135 tấn và cao 50m, đây được ví như “trái tim” của Nhà máy.
Tháng 2/2017: Hoàn thành lắp đặt cơ khí dự án
Tháng 3/2017: Nhà máy xử lý Khí Cà Mau đã chính thức đón nhận dòng khí đầu tiên để chạy thử hệ thống công nghệ và toàn bộ nhà máy.
Ngày 05/10/2017: Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau xuất thử nghiệm thành công chuyến hàng thương mại LPG đầu tiên cho xe bồn.
Ngày 6/12/2017: Công trình được nghiệm thu hoàn thành để đưa vào sử dụng.
Theo PetroVietnam
Đọc thêm:
- Công đoàn Dầu khí Việt Nam: Một nhiệm kỳ thành công về đối ngoại
- NMNĐ Sông Hậu 1: Lắp đặt máy phát tổ máy số 1
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiểm tra tình hình chạy thử Nhà máy Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ Trưởng Diễn đàn Năng lượng Quốc tế IEF lần thứ 16 tại Ấn Độ.
- Năm 2017, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện tiết kiệm hơn 3.830 tỷ đồng
- Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 18
- Công đoàn Dầu khí Việt Nam: Người lao động Dầu khí Bản lĩnh - Đoàn kết - Đổi mới - Hành động
- Tháng Công nhân 2018: Tuyên dương người lao động Dầu khí tiêu biểu - một chương trình thiết thực
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức Hội nghị triển khai công tác dịch vụ năm 2018
- Công đoàn Dầu khí Việt Nam: Hoạt động thiết thực, đi vào chiều sâu