Xì to online - Tải game trực tuyến để kiếm tiền thật


Khẳng định vị trí, vai trò của ngành dầu khí Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Nhân kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống ngành dầu khí Việt Nam, 74 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 29 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, sáng 13-12, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Tọa đàm “Dầu khí Việt Nam phát triển cùng đất nước”.

Tham dự tọa đàm có các đồng chí: Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN; Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân; Thượng tướng, Viện sĩ, Tiến sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo PVN, một số doanh nghiệp thành viên của tập đoàn; một số chuyên gia kinh tế và nhà khoa học. 

Đồng chí Đỗ Chí Thanh, Phó tổng giám đốc PVN và Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân đồng chủ trì cuộc tọa đàm.

Đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội

Phát biểu đề dẫn, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nhấn mạnh: Ra đời ngày 27-11-1961, qua hơn 57 năm hình thành và phát triển, ngành dầu khí Việt Nam đã phát triển đồng bộ, hiện đại, giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. PVN là một trong những trụ cột kinh tế của đất nước, thực hiện vai trò là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước. Hiện nay, tập đoàn có đội ngũ lao động hùng hậu với số lượng gần 60.000 người, có trình độ cao, làm chủ các hoạt động dầu khí ở trong nước và ngoài nước. Đáng chú ý, PVN là tập đoàn tiên phong trong hợp tác, hội nhập quốc tế và mở rộng đầu tư ra nước ngoài. Tập đoàn đang triển khai thực hiện hoạt động dầu khí tại 14 nước trên thế giới. Trong bối cảnh mới có nhiều yếu tố tác động tới sự phát triển của ngành dầu khí và PVN, “chính vì vậy, mục đích của cuộc tọa đàm nhằm khẳng định vị trí, vai trò của ngành dầu khí Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chỉ ra cơ hội và thách thức, những cơ chế cần thiết bảo đảm sự phát triển bền vững của PVN cũng như ngành dầu khí Việt Nam”, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nêu rõ.


Đại diện Ban tổ chức phát biểu đề dẫn tọa đàm.

Phát biểu tại tọa đàm, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam Nguyễn Hiệp điểm lại những nét cơ bản nhất, những “bước ngoặt” lớn trong lịch sử 57 năm hình thành và phát triển của ngành dầu khí Việt Nam nói chung và của PVN nói riêng. Ngành dầu khí Việt Nam ra đời xuất phát từ tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1959, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Khu công nghiệp dầu khí Baku tại Azerbaijan (Liên Xô), Người đã đề nghị Liên Xô giúp đỡ Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp dầu khí. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của ngành dầu khí Việt Nam, PVN và các doanh nghiệp thành viên đã nỗ lực không ngừng góp phần xây dựng ngành dầu khí Việt Nam ngày càng lớn mạnh, củng cố vị trí, vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Theo Phó tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) Bùi Ngọc Quang: Hiện nay, PV Gas đang quản lý, vận hành 5 hệ thống đường ống dẫn khí, gồm: Cửu Long, Nam Côn Sơn, PM3-Cà Mau, Hàm Rồng-Thái Bình và Nam Côn Sơn 2 (giai đoạn 1); với 3 nhà máy xử lý khí tại Bà Rịa-Vũng Tàu và Cà Mau; 4 trung tâm phân phối khí tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Cà Mau và Thái Bình; cùng hệ thống phân phối khí thấp áp, kho cảng tồn chứa, trạm chiết nạp khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí thiên nhiên nén (CNG) cung cấp khí làm nguyên liệu, nhiên liệu để sản xuất khoảng 30% sản lượng điện quốc gia, 70% thị phần phân bón và duy trì khoảng 64% thị phần khí hóa lỏng phục vụ các ngành công nghiệp và dân dụng của cả nước.

Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Vận tải dầu khí (PVTrans) Phạm Việt Anh cho biết, ngành vận tải biển Việt Nam trong suốt hơn 10 năm qua trải qua giai đoạn thăng trầm do ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế; hơn 90% doanh nghiệp vận tải biển trên thế giới bị thua lỗ và gần 50% doanh nghiệp phá sản hoặc có nguy cơ phá sản. Trước khó khăn lớn, PVTrans tiến hành tái cơ cấu toàn diện, triệt để, quyết liệt và đồng bộ, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các sáng kiến trong hoạt động. Vì vậy, từ năm 2012, PVTrans dần có nguồn thu ổn định, có lãi, vượt qua khủng hoảng, tạo đà tăng trưởng bền vững và liên tục.

TS Ngô Hữu Hải, Tổng giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) giới thiệu, BIENDONG POC vừa là chi nhánh của PVN đang tiến hành các hoạt động thăm dò tại Lô 105-110/4, vừa là liên doanh giữa PVN (51%) với tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới Gazprom, Liên bang Nga (49%), đang tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại hai Lô 05-2 và 05-3, thềm lục địa Việt Nam, thuộc vùng nước sâu xa bờ với hai cụm mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh đã được đưa vào khai thác hơn 5 năm, bảo đảm tuyệt đối an toàn, liên tục và hiệu quả. Sản lượng trung bình 7 triệu mét khối khí và 9.000 thùng Condensate mỗi ngày, mang lại doanh thu hằng năm xấp xỉ 500 triệu USD Mỹ.

PV Gas, PVTrans, BIENDONG POC là những doanh nghiệp thành viên có nhiều đóng góp quan trọng cho sự lớn mạnh của toàn ngành dầu khí Việt Nam. Ngành dầu khí đang giữ vai trò hàng đầu trong đóng góp ngân sách, sản xuất xăng dầu, sản xuất điện, sản xuất phân bón cho kinh tế đất nước, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.


Các đại biểu tham dự tọa đàm.

Theo báo cáo mới nhất của PVN, tổng sản lượng khai thác quy dầu 11 tháng năm 2018 là 22,1 triệu tấn, hoàn thành 96,8% kế hoạch năm. Sản lượng sản xuất điện, xăng dầu và đạm trong 11 tháng qua đều đạt chỉ tiêu đề ra. Tổng doanh thu toàn tập đoàn 11 tháng đạt 542.344 tỷ đồng, vượt 2,2% kế hoạch năm. Đặc biệt, chỉ qua 11 tháng, tập đoàn đã nộp ngân sách Nhà nước đạt hơn 108.122 tỷ đồng, vượt 46,5% kế hoạch năm 2018.

Không chỉ đóng góp lớn cho kinh tế đất nước, PVN còn thể hiện trách nhiệm trong công tác an sinh xã hội. Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nhắc tới trường hợp của Trung úy QNCN Đinh Thị Kim Xoa, nhân viên nấu ăn, Tiểu đoàn 45, Cục Hậu cần Hải quân, là vợ liệt sĩ Đinh Văn Nam. Khi anh Nam hy sinh, chị Xoa chưa có công ăn việc làm và con gái mới gần 1 tuổi, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Trong thời gian đó, thông qua Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức; vào tháng 5-2014, PVN đã đón nhận chị Xoa vào làm việc (sau đó, Bộ Quốc phòng quyết định tuyển dụng chị Xoa vào LLVT). "Qua trường hợp của Trung úy QNCN Đinh Thị Kim Xoa, chúng ta có thể thấy được tấm lòng ân nghĩa của cán bộ, những người lao động ngành dầu khí", Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nói.

Chất Bộ đội Cụ Hồ trong ngành dầu khí

Trong suốt 57 năm hình thành và phát triển, bên cạnh những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, ngành dầu khí Việt Nam còn có những đóng góp quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. “Không chỉ đóng góp về kinh tế, mà về an ninh, quốc phòng, sự xuất hiện, hoạt động của những đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân và mỗi một giàn khoan của ngành dầu khí trên biển chính là sự khẳng định chủ quyền của đất nước, thể hiện việc thực hiện chiến lược kinh tế biển của Việt Nam”, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nói.


Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Trần Sỹ Thanh phát biểu tại tọa đàm.

Cùng với đó, không thể không nhắc tới sự đóng góp rất quan trọng của quân đội với lịch sử phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Trần Sỹ Thanh gửi lời cảm ơn chân thành tới Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, các quân chủng, binh chủng, đặc biệt là lực lượng Hải quân, Biên phòng, Phòng không-Không quân và các cơ quan, đơn vị chức năng đã luôn kề vai, sát cánh giúp đỡ ngành dầu khí trong suốt quá trình hình thành và phát triển. “Trong thành tựu của ngành dầu khí có phần đóng góp quan trọng của quân đội. Trong suốt chiều dài lịch sử ngành dầu khí Việt Nam, trong nhận thức, ý thức của những người làm dầu khí mang đậm tinh thần người chiến sĩ. Chất Bộ đội Cụ Hồ vẫn tồn tại trong ngành dầu khí đến tận bây giờ”, đồng chí Trần Sỹ Thanh nói. Theo đồng chí, hiện nay, hội cựu chiến binh của PVN có đến hơn 3.000 hội viên vẫn đang hằng ngày là tấm gương sáng cho cán bộ, công nhân viên, người lao động trong ngành.

Theo Tổng giám đốc BIENDONG POC Ngô Hữu Hải, năm 1976, chỉ một năm sau khi Chính phủ thành lập Tổng cục Dầu khí Việt Nam, Trung tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần được phân công làm Bộ trưởng phụ trách công tác dầu khí. Sau đó, Binh đoàn 318 dầu khí được thành lập để đưa lực lượng của quân đội vào xây dựng ngành dầu khí. “Có thể nói, để có ngành công nghiệp dầu khí như ngày hôm nay đã có sự đóng góp lớn lao về trí tuệ, công sức, mồ hôi, thậm chí cả xương máu của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội”, TS Ngô Hữu Hải nói. Đồng chí dẫn chứng một câu nói vui trong ngành dầu khí, đó là: “Thứ nhất, Bộ đội Cụ Hồ/ Thứ nhì, trí tuệ Liên Xô đem về” để thấy rằng vai trò của Bộ đội Cụ Hồ được xếp ở vị trí hàng đầu trong những yếu tố làm nên lịch sử, làm nên những thành tựu của ngành dầu khí Việt Nam. Ngay tại buổi tọa đàm, Tổng giám đốc Ngô Hữu Hải trình chiếu cho các đại biểu xem buổi chào cờ xúc động tại một giàn khoan ở vị trí tiền tiêu của BIENDONG POC. “Rất nhiều khó khăn, rất nhiều những trắc trở ở các vị trí giàn khoan như thế. Nhưng chúng tôi luôn tự nhắc nhở rằng, những vị trí giàn khoan ấy như những cột mốc chủ quyền của Tổ quốc và người lao động dầu khí như những người chiến sĩ góp phần bảo vệ chủ quyền và làm giàu cho đất nước. Cho nên dù khó khăn, trắc trở thế nào, chúng tôi cũng dứt khoát vượt qua”, TS Ngô Hữu Hải xúc động chia sẻ.

Phát biểu tại tọa đàm, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhắc tới việc Trung tướng Nguyễn Hòa, khi ấy là Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân đoàn 1, đã được điều ra làm Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí vào năm 1977. Giai đoạn đó, đồng chí Nguyễn Hòa đã đề nghị Quân đoàn 1 cử những sĩ quan giỏi từ miền Nam ra để tham gia xây dựng ngành dầu khí. “Theo tôi nghĩ, quân đội tham gia sát cánh cùng ngành dầu khí cũng chính là quân đội đã bảo vệ chủ quyền của quốc gia trên biển. An ninh dầu khí chính là an ninh quốc gia”, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói.

Cần sớm thể chế hóa Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị

Trực tiếp tham gia khảo sát tại một số đơn vị thành viên của PVN, TS Trần Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội khóa XIII, chia sẻ ấn tượng với cơ sở vật chất kỹ thuật hùng hậu, năng lực của đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề của ngành dầu khí Việt Nam. "Các đơn vị của ngành có thể tham gia đấu thầu và thắng thầu tại nhiều dự án trên khắp thế giới ở mọi công đoạn của ngành công nghiệp dầu khí, thế nhưng nhiều khi lại phải chịu thua trên sân nhà vì một số quy định của pháp luật chưa được cập nhật kịp thời với diễn biến thực tế", TS Trần Văn bày tỏ. Cũng theo TS Trần Văn, chúng ta phải xác định dầu khí là một ngành kinh tế đặc biệt, ngành công nghiệp ưu tiên, do đây là ngành có tính chất thiết yếu quan trọng đối với quốc gia, gắn kết phát triển kinh tế-xã hội với an ninh, quốc phòng, có tác động và ảnh hưởng lan tỏa đối với xu hướng phát triển của toàn ngành công nghiệp và cả nền kinh tế.


Toàn cảnh tọa đàm.

Đề cập tới giải pháp để thúc đẩy ngành dầu khí phát triển, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, cho rằng: Ngày 23-7-2015, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW “Về định hướng chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” với định hướng hết sức đúng đắn, hết sức hữu ích cho sự phát triển bền vững của ngành dầu khí. Ngày 14-10-2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035” tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg. Song hiện nay, nghị quyết và quyết định này chưa được hướng dẫn thực hiện. Do đó cần có giải pháp để tiếp tục cụ thể hóa các chính sách quan trọng này đối với sự phát triển của ngành dầu khí. 

Nên để lại một phần lợi nhuận sau thuế để PVN tái đầu tư

Nhiều ý kiến tại tọa đàm đề nghị, ngành dầu khí rất cần có các chính sách, cơ chế đặc thù, phù hợp với yêu cầu ưu tiên tập trung nguồn lực quốc gia để hình thành và phát triển một số ngành công nghiệp mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế làm nền tảng để đất nước đi vào giai đoạn phát triển cao hơn ở giai đoạn tiếp theo. Trong đó cần bảo đảm nguồn vốn để ngành dầu khí thực hiện các mục tiêu chiến lược, không vì khó khăn, mất cân đối nhất thời của ngân sách Nhà nước mà cắt giảm nguồn vốn đầu tư phát triển của ngành dầu khí Việt Nam.

Ông Nguyễn Hùng Dũng, Anh hùng Lao động, thành viên hội đồng thành viên kiến nghị, cần sớm sửa đổi, ban hành Luật Dầu khí theo hướng điều chỉnh các hoạt động liên quan đến dầu khí, gồm các phần: Thượng nguồn và trung nguồn, hạ nguồn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho PVN và nhà đầu tư vào chuỗi giá trị của ngành dầu khí, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí; có điều khoản ưu đãi hợp lý để thu hút vốn đầu tư cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác các đối tượng dầu khí phi truyền thống. Cần sửa đổi điểm 1, Điều 34 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69/2014/QH13) theo hướng: Trích tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế để lại doanh nghiệp sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển ngành, nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp. Như vậy, PVN mới có thể bảo đảm nguồn vốn đầu tư, bao gồm sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò.

Góp ý về vấn đề này, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, Phó trưởng Ban Tuyên truyền lý luận Báo Nhân Dân, cho rằng, cần hoàn thiện ổn định quy hoạch phát triển, tìm kiếm, khai thác, thăm dò. Cùng với đó, cần hoàn thiện xây dựng pháp luật về đấu thầu quốc tế. Hiện nay vẫn có sự ưu tiên các nhà đầu tư quốc tế trong khi những nhà đầu tư trong nước có năng lực lại không được tham gia hoặc tham gia hạn chế.

Khẳng định sức mạnh của công tác chính trị tư tưởng bao giờ cũng giữ vị trí đi trước và mở đường, PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh bày tỏ sự xúc động khi được xem đoạn phim về lễ chào cờ tại giàn khoan cụm mỏ Hải Thạch-Mộc Tinh và vui mừng trước những thông tin PVN đã hoàn thành vượt mức sản lượng và nộp ngân sách Nhà nước so với kế hoạch năm 2018. Dẫn câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Không vì chống tham nhũng mà làm cản bước tiến của phát triển kinh tế-xã hội", PGS, TS Nguyễn Hồng Vinh cho rằng: “Quyết tâm của PVN đã góp sức minh chứng cho điều này. Và chính công tác giáo dục chính trị, tư tưởng tốt tạo dựng thành công cho ngành dầu khí Việt Nam và PVN”. Do đó, công tác giáo dục truyền thống, giáo dục tinh thần “thắng không kiêu, bại không nản”, luôn luôn nâng cao ý thức đoàn kết, tạo thành sức mạnh tập thể của ngành dầu khí và PVN là điều cần phải tiếp tục phát huy.

Cảm ơn những ý kiến đóng góp quý báu của các diễn giả với ngành dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Trần Sỹ Thanh khẳng định: Đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành dầu khí Việt Nam đã, đang và sẽ luôn luôn tận dụng các cơ hội để cùng Đảng, Nhà nước thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển; tiếp nối truyền thống tốt đẹp của văn hóa dầu khí đậm chất Bộ đội Cụ Hồ.

Phát biểu kết thúc tọa đàm, đồng tình với quan điểm của các đại biểu về giải pháp thúc đẩy sự phát triển của ngành dầu khí trong thời gian tới, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn nhấn mạnh, cơ hội của ngành dầu khí là sự quan tâm của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó là đội ngũ 60.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động, PVN có đủ trí tuệ, sức mạnh và sự sáng tạo, trong đó có khí chất Bộ đội Cụ Hồ. Đây là cơ sở để ngành dầu khí phát triển bền vững.

Thiếu tướng Phạm Văn Huấn khẳng định, Báo Quân đội nhân dân và tập thể những người cầm bút sẽ đồng hành cùng với ngành dầu khí, PVN trên con đường thực hiện sứ mệnh của ngành dầu khí là góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và là "đầu tàu" kinh tế trong xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam hùng cường.


Theo QĐND