Một thời kỳ dài, được vào làm việc ở PVN là ước mơ của không ít người, đặc biệt là ở các đơn vị tìm kiếm, thăm dò, khai thác.
“Kỷ luật hay là chết”
Người ta thấy công nhân ra giàn khoan bằng máy bay trực thăng; làm nửa tháng rồi lại về “nghỉ ngơi” nửa tháng; ngủ trong những căn phòng tuy chật hẹp nhưng có điều hòa mát rượi, được ăn tự chọn, được uống nước ngọt, nước hoa quả thoải mái, và dĩ nhiên là có mức lương cao ngất ngưởng...! Những điều đó là đúng!
Người viết bài này từng chứng kiến cảnh công nhân dầu khí Thái Lan làm việc ở Algeria khi về nước được ngồi trên khoang hạng thương gia của máy bay đời mới A380. Tôi cũng biết, có kỹ sư dầu khí Việt Nam khi “đầu quân” cho Petronas của Malaysia, được cấp biệt thự để ở, vợ con được đi theo chồng, thu nhập 1 tháng bằng cả một năm khi làm cho PVN… Cũng có những người của PVN khi làm cho liên doanh nước ngoài hưởng mức lương gần 30 nghìn USD/tháng…
Lắp choòng khoan trên gian MP3 của Vietsovpetro
Không hiếm người nghĩ rằng khai thác dầu khí là “chỉ chọc mũi khoan xuống, hút lấy tài nguyên, mang đi bán thì làm gì chả giàu?”. Nhưng đó chỉ là bề nổi, còn góc khuất bên trong hay những khó khăn, vất vả, hiểm nguy thì không phải ai cũng biết.
Một ca làm việc của công nhân dầu khí trên các giàn khoan kéo dài 12 giờ. Trong quãng thời gian ấy, họ chỉ được nghỉ 30 phút để ăn giữa ca, còn lại không một phút lơi là. Bởi lẽ công việc của người trên giàn khoan, không ngày nào giống ngày nào; không giờ nào giống giờ nào… Vì không ai có thể biết trước được mũi khoan đang đi sâu hàng km trong lòng đất gặp phải những gì; không ai có thể biết được dòng dầu, khí đang phun lên bị trộn lẫn thứ gì. Rồi nhiệt độ, áp suất thay đổi ra sao... chỉ sơ sảy tý chút là có thể xảy ra thảm họa. Và không ai biết được rằng một giàn khoan đã hoạt động hàng chục năm trên biển liệu có con ốc, con vít nào hư hỏng, có đường dây điện nào bị hở hay không… Chính vì vậy, họ phải tập trung gần như tất cả tinh lực của mình vào công việc.
Nắng cháy da, hay gió bão mịt mù… hễ mũi khoan còn hoạt động, dòng dầu còn phun lên thì không ai được phép ngưng nghỉ. Họ chỉ được phép rời giàn khi có bão cấp 16 - 17; hoặc những sự cố đặc biệt khác. Và khi đã lên giàn nhận ca làm việc, thì đừng nghĩ tới chuyện gì trong đất liền… kể cả vợ đẻ hoặc có người thân mất.
Có lẽ trong nhiều ngành nghề, duy nhất ngành dầu khí là có thứ kỷ luật lao động nghiệt ngã đến lạnh lùng. Không một ngành nào mà người lao động bị phạt tiền tới 50 triệu đồng nếu như hút thuốc không đúng vị trí; không một ngành nào mà bước chân lên giàn khoan là phải học ngay một khóa về bảo đảm an toàn lao động dù đó là người đã có thâm niên ở giàn. Cách học về an toàn lao động của họ cũng rất giản dị, thiết thực: Nếu bạn không đi giày bảo hộ lao động, ngộ nhỡ bị một thanh sắt rơi vào chân, dập ngón chân thì hậu quả sẽ như thế nào? Nếu nặng sẽ phải thuê máy bay chở vào bờ, phải đưa người khác ra thay thế; rồi khi về bờ phải chữa trị và không có thu nhập và khi bình phục, rất có thể vị trí của bạn đã có người khác thay thế…
Người dầu khí làm việc trên các giàn khoan hay trên tàu dịch vụ, tàu vận chuyển dầu không có khái niệm ngày nghỉ, ngày lễ tết; xa nhà nửa năm trở lên là chuyện… bình thường. Rất nhiều công nhân ở giàn khoan đến cả chục năm chưa được đón giao thừa cùng gia đình. Còn ở trên giàn, họ không được phép uống một hớp bia, một giọt rượu; thậm chí có giàn còn không được dùng cả tăm xỉa răng. Có người ví von rằng những công nhân dầu khí sống hệt như “rôbốt”, bởi họ phải làm việc, sinh hoạt… theo những quy định ngặt nghèo và cực kỳ nghiêm khắc. Làm việc trong nghề thăm dò, khai thác, hay vận chuyển, hoặc ở nhà máy lọc dầu, nhà máy xử lý khí… là phải tuân theo thứ kỷ luật lao động theo đúng kiểu “Kỷ luật hay là chết”. Và ở đây, không có khái niệm “du di”; “chiếu cố”. Bị phạt nghiêm khắc, bị trừ lương, bị mất việc… Đó là những hình thức kỷ luật thường thấy ở PVN.
Lương có thực sự cao?
Còn về chế độ lương, nghe thì cao thật nhưng thực tế thì lại không phải. Trong một lần đi theo giàn PVD VI từ Singapore về Vũng Tàu, một thợ hàn cho hay, lương của anh khoảng 25 triệu đồng/tháng. Lương thợ hàn mà 25 triệu đồng nghĩa là cao hơn một Trưởng ban ở Tập đoàn, lại được ăn với tiêu chuẩn gần 40 USD/ngày, thế thì… nhất còn gì! Nhưng anh thong thả giải thích: Đây là mức lương khi ở trên biển, còn khi về bờ, chỉ được hưởng lương cơ bản khoảng gần 4 triệu đồng/tháng. Vậy ta thử tính xem sao? Cứ cho người công nhân này làm một tháng được 25 triệu đồng sau đó lại nghỉ một tháng. Như vậy, tổng lương của anh là 29 triệu đồng cho hai tháng. Trong một tháng làm trên biển, mỗi ngày anh phải làm 12 tiếng đồng hồ. Như vậy, nếu tính về giờ công lao động, anh phải làm việc tới 45 ngày so với người làm việc trên bờ, đã thế lại không có ngày nghỉ dù đó là ngày lễ, ngày Tết. Thu nhập của một công nhân dầu khí như vậy là cao hay thấp?
Gần đây do giá dầu suy giảm tiêu cực kéo dài, một số dự án khoan thăm dò phải dừng, phải giãn tiến độ nên công việc của những người tìm kiếm, thăm dò thưa dần và có những đơn vị phải nghiến răng để phân phối công việc theo kiểu 3 người làm một việc. Họ không thể sa thải công nhân, đặc biệt là những người có trình độ kỹ thuật cao. Đào tạo được một công nhân làm việc trên giàn khoan là rất tốn kém và phải có thời gian. Người làm dầu khí có bằng cấp nào cũng chưa quan trọng, mà phải là người có nghề. Mà muốn có nghề thì phải lăn vào mà lao động, mà học, phải tích lũy kinh nghiệm từ những người đi trước.
Một kỹ sư ra trường, khi được tuyển vào làm việc trên giàn khoan thì phải học từ cách lau sàn giàn khoan, cách vặn từng con bu lông, cách vác cần khoan… Nghĩa là ở người lao động dầu khí, yếu tố “thợ” và “thầy” hòa quyện với nhau, không thể tách rời. Công việc của những người dầu khí - đặc biệt là những người tìm kiếm, thăm dò, khai thác không có khái niệm “chỉ tay năm ngón”.
Đối với lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị tìm kiếm - thăm dò - khai thác, cuộc sống của họ là “đi quần quật, làm quần quật, ăn quần quật”. Đã có những lãnh đạo dầu khí mỗi lần về ăn cơm với gia đình là được vợ… ghi sổ, để tính xem tháng này, chồng về được mấy ngày…! Đã không hiếm những người chồng đi làm ngoài giàn, từ lúc vợ đẻ cho đến khi con biết lẫy mới được về ngó mặt. Anh em làm ngoài Dự án Biển Đông 01 kể rằng, thời gian lắp giàn xử lý khí, có khi ở miết ngoài giàn vài tháng; thậm chí, có người bố chết mà không thể về chịu tang được…
Ở trong nước, làm ngoài giàn khoan gian khổ khó khăn là thế nhưng không là gì so với anh em phải làm ở mỏ Bir Sebar trên sa mạc Sahara.
Đây thực sự lò lửa bởi nắng nóng có khi tới 54 độ C, nhưng đêm lại xuống 0 độ. Rồi phải hứng chịu những cơn bão cát có thể ập đến bất cứ lúc nào; phải chứng kiến rắn độc, bọ cạp bò vào tận giường… Rồi phải ở trong những khu trại được bảo vệ nghiêm ngặt; chỉ khác tù nhân là không bị khóa chân tay, muốn ra ngoài phải đăng ký, xin phép và thuê cảnh sát hộ tống.
Những người tham gia thăm dò mỏ Juni 2 ở Venezuela hầu hết ai cũng từng một lần bị cướp dí dao, súng vào người và lột sạch. Thậm chí văn phòng đại diện của PVN tại Thủ đô Caracas cũng có lần bị cướp đánh cả xe tải đến “khuân sạch” đồ đạc, tư trang. Trước khi ra về, bọn cướp còn “tử tế” trả lại hộ chiếu, thẻ tín dụng cho mọi người và “cảm ơn sự hợp tác có ý thức”, đồng thời khuyến cáo là “nên im lặng, đừng báo cảnh sát”.
Những anh em làm việc ở mỏ Nhenhetxky ở vùng cực bắc nước Nga một năm phải chịu 6 tháng với nhiệt độ từ -10 đến - 50 độ C và mùa hè bước ra khỏi phòng là phải trùm lưới chống muỗi; phải mặc một quần bò và một quần bảo hộ lao động bởi muỗi ở vùng bình nguyên này có thể đốt xuyên qua hai lớp vải.
Nói về gian khổ của nghề thăm dò, khai thác dầu khí thì đúng thật là thiên nan, vạn nan. Mà đâu chỉ có người làm thăm dò, khai thác chịu gian khổ. Những công nhân làm việc trên các con tàu dịch vụ, tàu chở dầu cũng thường xuyên đối mặt với nguy hiểm. Sự nguy hiểm đến với họ không chỉ ở bão gió, mà còn là cướp biển, của những hoạt động thù địch của nước khác. Mỗi khi tàu chở dầu từ Trung Đông về, qua những eo biển đầy cướp, có lúc phải thuê tàu hộ tống và trong suốt chặng hành trình đó, bầu không khí căng thẳng đến tột độ luôn bao trùm. Anh em phải thay nhau gác suốt ngày đêm, lan can tàu được cuốn bằng dây thép gai, rồi chuẩn bị vòi rồng cực mạnh, luôn sẵn sàng để chống cướp.
Đúng là thu nhập của người lao động dầu khí, đặc biệt là những người làm công tác thăm dò, tìm kiếm xem ra có phần khá hơn so với mặt bằng chung nhưng nếu tính chi li ra thì cũng chỉ ở mức bình thường. Và càng không thể so sánh được với các công ty dầu khí nước ngoài. Chính vì thế mà từ nhiều năm nay, các đơn vị thành viên của PVN luôn tìm mọi cách để giữ chân những người có tay nghề. Không thể giữ chân họ được bằng đồng lương bởi vì quỹ lương có hạn lại theo những quy định ngặt nghèo của thang bảng lương Nhà nước; vậy thì chỉ còn mỗi một cách là tạo ra một bầu không khí làm việc đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau và trên dưới đồng lòng, chia sẻ.
Nguyễn Như Phong
(Báo Đại biểu Nhân dân)
Đọc thêm:
- Hướng đi nào cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam? Bài 1: Non trẻ nhưng vinh quang
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn thành vượt mức từ 2 – 18% các chỉ tiêu sản xuất 4 tháng 2018
- NSRP xuất bán lô sản phẩm thứ hai: xăng RON 95
- Đại hội Công đoàn Dầu khí Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018-2023: Ngày hội của người lao động ngành Dầu khí
- Khánh thành Nhà máy Xử lý Khí Cà Mau
- Công đoàn Dầu khí Việt Nam: Một nhiệm kỳ thành công về đối ngoại
- NMNĐ Sông Hậu 1: Lắp đặt máy phát tổ máy số 1
- Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiểm tra tình hình chạy thử Nhà máy Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn
- Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ Trưởng Diễn đàn Năng lượng Quốc tế IEF lần thứ 16 tại Ấn Độ.
- Công đoàn Dầu khí Việt Nam: Người lao động Dầu khí Bản lĩnh - Đoàn kết - Đổi mới - Hành động